Sự khác nhau giữa cuộc sống và môi trường học tập ở Nhật Bản và Đức

Tìm kiếm sự cân bằng giữa cú sốc văn hóa tiềm ẩn và việc học tập.

  • Cuộc sống ở Nhật Bản
  • Lý do chọn Nhật Bản

Arvid

German

Hiroshima University

Thạc sĩ

Ảnh hồ sơ sinh viên

Chương trình đang theo học

Tôi hiện đang theo học chương trình tại Trường Đào tạo Cao học về Đổi Mới và Ứng Dụng cho Xã Hội Thông Minh (SMASO). Ngôi trường này nằm ở rìa khuôn viên Đại học Hiroshima, trong tòa nhà IDEC - một trung tâm quốc tế sôi động, quy tụ nhiều sinh viên đến từ các quốc gia khối ASEAN và Châu Phi nhờ chương trình tài trợ từ các tổ chức uy tín như JICA và MEXT. Các lớp học lý thuyết của tôi được tổ chức tại IDEC, nhưng phòng thí nghiệm nghiên cứu lại được đặt tại tòa nhà Khoa Kỹ thuật, cụ thể là tầng dành cho ngành Kiến trúc.

Trước khi đến Nhật Bản, tôi từng làm việc tại cơ quan hợp tác quốc tế của Chính phủ Đức (GIZ), tập trung vào các sáng kiến năng lượng sạch và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Niềm đam mê của tôi đối với công nghệ điều hòa không khí và bơm nhiệt đã đưa tôi đến Đại học Hiroshima, nơi tôi may mắn được học tập dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Kindaichi Sayaka.

Với nền tảng kiến thức về kinh tế, tôi hiện đang nghiên cứu luật quy hoạch nhiệt đô thị mới của Đức và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của các kỹ thuật viên HVAC. Nhật Bản vốn là quốc gia có thế mạnh về công nghệ điều hòa không khí và bơm nhiệt, nhờ vậy mà tôi có môi trường lý tưởng để tiếp cận các hệ thống này từ góc nhìn của Nhật Bản. Tôi hy vọng bằng thạc sĩ của mình sẽ tạo ra cơ hội cho tôi để làm cầu nối giữa Nhật Bản và Đức trong lĩnh vực bơm nhiệt.

Đại học Hiroshima sở hữu một khuôn viên tuyệt đẹp với một công viên rộng lớn nằm ở trung tâm

Học cao học ở Nhật Bản

Việc phải nộp hồ sơ thạc sĩ kèm theo một đề án nghiên cứu giúp cho công việc nghiên cứu hằng ngày trở nên tập trung hơn rất nhiều. Ở Đức, chúng tôi không áp dụng phương pháp này. Với kinh nghiệm làm việc dày dặn của mình, tôi mong muốn phát triển thêm dựa trên nền tảng đó, và Đại học Hiroshima luôn khuyến khích tôi thu thập dữ liệu sơ cấp. Hệ thống giáo dục tại Nhật Bản, với các môn học kéo dài 12 tháng được chia thành 4 học kỳ cộng thêm 12 tháng dành riêng cho nghiên cứu, mang đến cho nghiên cứu sinh nhiều cơ hội để tiến hành các thí nghiệm hoặc triển khai khảo sát.

Các chương trình thạc sĩ ở Đức thường có tính liên thông, kéo dài hai năm nhưng chỉ có khoảng 6 tháng dành cho nghiên cứu. Giáo sư ít có thời gian dành cho sinh viên, và sinh viên chủ yếu tự học tại thư viện. Nếu trong quá trình làm việc chuyên môn, tôi muốn trau dồi thêm chuyên môn kỹ thuật hoặc công nghệ tại Đức, tôi sẽ cần bắt đầu lại với một bằng cử nhân khác do cấu trúc liên thông của hầu hết các chương trình thạc sĩ tại Đức. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, các trường đại học lại cung cấp các kỳ học dành cho nghiên cứu sinh để giúp họ cải thiện tiếng Nhật và đáp ứng các yêu cầu đầu vào. Tôi đã có thể bỏ qua bước này, vì kỳ thi đầu vào của tôi chỉ bao gồm bài thuyết trình trực tuyến, và chương trình học của tôi được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Các môn học trong chương trình thạc sĩ của tôi được giảng dạy bằng tiếng Anh, tuy nhiên đáng tiếc là khoảng 40% trong số các môn học này chưa đạt chất lượng cao. Trình độ tiếng Nhật của tôi chưa đủ để theo học các lớp giảng dạy bằng tiếng Nhật. Để thu hẹp khoảng cách này, các giáo sư của tôi đã tổ chức các buổi ăn trưa trao đổi học thuật bằng tiếng Anh để tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận học thuật giữa các bạn cùng phòng nghiên cứu là người Nhật, những người còn gặp khó khăn với tiếng Anh, và bản thân tôi với trình độ tiếng Nhật còn hạn chế. Hầu hết các giáo sư nói tiếng Anh tốt và luôn sẵn lòng giúp đỡ.

Sự kết hợp giữa thiên nhiên và nhịp sống thành phố

Đại học Hiroshima và Higashi-Hiroshima là những nơi tuyệt vời để học tập. Sau khoảng thời gian làm việc tại Hà Nội, cuộc sống yên bình tại Higashi-Hiroshima mang lại cho tôi cảm giác thật dễ chịu. Đại học Hiroshima có một công viên rất đẹp nằm ngay trung tâm khuôn viên trường. Mỗi ngày, tôi đạp xe dọc theo dòng sông Kurose. Vào buổi tối, tôi thường đi bộ đến giếng của các nhà máy rượu Sake Saijo để lấy nước ngọt mát lành. Chỉ mất một giờ để đến Onomichi xinh đẹp hoặc 40 phút để vào trung tâm thành phố Hiroshima với những dòng sông thơ mộng và vô số cơ hội mua sắm. Vào mùa xuân và mùa thu, tôi lại đạp xe vượt qua những ngọn núi để đến Takehara hoặc các thị trấn khác ven biển nội địa Seto. Hiroshima cũng có kết nối giao thông thuận lợi đến các khu vực Kansai, Shikoku và Kyushu. Đối với những người yêu thiên nhiên, đây là nơi lý tưởng để sinh sống và học tập.

Đạp xe trên cung đường Shimanami Kaido

Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên Quốc tế Hiroshima có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ dành cho sinh viên, và đã giúp tôi tìm được nhà ở riêng. Nhiều chỗ ở xung quanh khu vực cánh đồng lúa gần trường học có giá khởi điểm từ 20.000 Yên/tháng. Nếu bạn muốn đi bộ đến trường hoặc cần thêm một phòng, bạn sẽ phải trả khoảng 50.000 Yên. Tôi thường đi mua sắm ở chợ nông sản với giá rất phải chăng hoặc mua sắm tại cửa hàng Hallows mở cửa 24/7. Ở Higashi-Hiroshima, tôi có thể đi xe đạp đến bất cứ đâu mình muốn; chỉ cần nghĩ đến quy mô rộng lớn, cảnh quan đô thị phức tạp và hệ thống giao thông công cộng ở Tokyo hay Kansai đã khiến tôi cảm thấy căng thẳng. Chưa kể đến chi phí đi lại đắt đỏ hàng ngày tại các khu vực đô thị lớn. So với đó, Higashi-Hiroshima là một nơi có chi phí sinh hoạt rất rẻ.

Loại hình nhà ở “Căn hộ chung cư” này có thể không có vẻ ngoài hấp dẫn lắm, nhưng xét về độ an toàn khi có động đất và tiêu chuẩn sống chất lượng, chúng có thể tốt hơn nhà mặt đất hoặc căn hộ ở khu vực cánh đồng lúa.

Ngay cả khi sống trong căn hộ chung cư, bạn vẫn có thể có một căn phòng trải chiếu tatami theo phong cách Nhật Bản truyền thống

Những thách thức khi sống ở Nhật Bản

Các tòa nhà ở Nhật Bản thường không có lớp cách nhiệt nên gây ra nhiều bất tiện vào mùa đông và mùa hè. Lúc đó hóa đơn tiền điện trở nên đắt đỏ (khoảng 5.000 Yên đối với tôi, bạn bè tôi ở các tòa nhà cũ hơn thì hơn 10.000 Yên) và cuộc sống sinh hoạt trở nên kém thoải mái hơn đôi chút. Có rất nhiều tòa nhà cũ, xây tường bằng vật liệu nhựa rẻ tiền gặp vấn đề về ngưng tụ hơi nước hoặc hệ thống điều hòa không khí, nên việc tìm được một căn hộ tốt không dễ dàng, đặc biệt là vì hầu hết các công ty môi giới không sử dụng tiếng Anh và thường không cho người nước ngoài thuê. Người bạn hỗ trợ của tôi đã giúp đỡ tôi rất nhiều, và nếu không có cô ấy, chắc tôi cũng không thể xoay xở được đâu! Tại Việt Nam, nơi tôi từng sinh sống trước đây, các căn hộ thường được trang bị sẵn nội thất nhưng giá thuê có thể khá cao đối với người nước ngoài. Ở Đức, chúng tôi cũng phải tự trang bị nội thất cho căn hộ của mình. Tôi đã mua hầu hết nội thất đồ cũ hoặc ở Nitori. Nhìn chung, tiền thuê nhà và nội thất ở Nhật Bản rẻ hơn nhiều so với ở Đức, mặc dù tiền lễ và tiền đặt cọc lại khá đắt đỏ. Trong khi ở Đức, hầu hết sinh viên sống trong các căn hộ ở ghép, thì hình thức này lại không phổ biến ở Nhật Bản. Do đó, cuộc sống đôi khi có thể hơi cô đơn.

Nhà ăn tại trường đại học ở Nhật Bản cung cấp các bữa ăn thực sự không tốt cho sức khỏe, không phù hợp lắm với người ăn chay và có giá hơi cao. Tôi có một nhà bếp tuyệt vời, nhưng hầu hết các căn hộ sinh viên đều nhỏ nên việc nấu ăn và chuẩn bị bữa ăn trong những nhà bếp nhỏ như vậy rất bất tiện. Thiết kế đường phố ở nhiều nơi tại Nhật Bản không phù hợp cho người đi xe đạp, nhưng không khí thì trong lành, và chỉ cần tốn chút thời gian là tìm được những cung đường đạp xe tuyệt vời. Ở Nhật Bản, luôn có nỗi lo về các thảm họa thiên nhiên. Saijo là một trong những nơi an toàn nhất ở Nhật Bản về động đất, nhưng lũ lụt vẫn có thể xảy ra. Từ ngày sống ở đây đến giờ, tôi chưa gặp phải sự cố gì, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi nhận được cảnh báo đừng nên ra đường. Tôi đã hơn 30 tuổi và Nhật Bản là quốc gia thứ 5 mà tôi từng sống, nên tôi biết cách thích nghi với các điều kiện sống khác nhau.

Dòng sông Kurose gần như bị ngập lụt

Cách tôi tận hưởng thời gian ở Nhật Bản

Vào mỗi thứ Hai từ 2 giờ chiều đến 6 giờ tối, tôi học Sado (trà đạo). Vào các buổi tối thứ Ba và Chủ Nhật, tôi tham gia luyện tập Aikido. Vì cuộc sống ở Nhật Bản đôi khi có thể cô đơn, nên việc tìm kiếm các hoạt động thường xuyên và luôn chủ động tham gia các buổi hội thảo hoặc gặp gỡ giao lưu là rất quan trọng. Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên Quốc tế Hiroshima và chương trình Đại sứ Du học Hiroshima mà tôi đã tham gia có thể là điểm tựa hỗ trợ ban đầu tuyệt vời.

Với sở thích về trà, tôi luôn có thể tìm kiếm các buổi trà đạo ở những thị trấn nhỏ cổ kính gần đó hoặc trải nghiệm làm gốm và thưởng thức bánh cùng trà trong những chuyến đi của mình. Tôi rất thích đến Onomichi, nơi chỉ cách đó một chuyến tàu ngắn, và đạp xe quanh tỉnh Hiroshima bằng xe đạp điện của mình. Nhiều bạn bè và gia đình đã đến thăm tôi tại Nhật Bản. Tôi đã cùng họ đi thăm Uji, Osaka, Ise, Naoshima, Kan-Onji, núi Phú Sĩ và Miyajima. Sắp tới tôi dự tính sẽ khám phá Tottori, Shimane và Kyushu.

Tôi cùng những người bạn Đức tại Miyajima

Trang web này sử dụng Cookie nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dùng.
Nếu đồng ý với thông số kỹ thuật của Cookie, vui lòng nhấp vào “Đồng ý”. Để biết thông tin về Cookie và cài đặt, vui lòng nhấp vào “Xem chi tiết”.